Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương
binh và Xã hội trả lời bà Hạnh như sau:
Theo
quy định tại Khoản 2 Điều 18 của Bộ luật Lao động thì đối với
công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm
người lao động có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết
hợp đồng lao động bằng văn bản; trường hợp này hợp đồng lao động có hiệu lực
như giao kết với từng người.
Theo
quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày
22/12/2006 của Chính phủ thì người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có
thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên theo quy định của pháp luật về lao động thì
thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Khoản 3 Điều 186 của Bộ luật Lao động quy
định đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt
buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì ngoài việc trả lương
theo công việc, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với
kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền cho người lao động tương đương
với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và
tiền nghỉ phép hằng năm theo quy định.
Căn cứ vào các quy định nêu trên thì khi
giao kết hợp đồng lao động theo quy định tại Khoản 2 Điều 18 của Bộ luật Lao
động nêu trên, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm trả lương trực tiếp,
đầy đủ, đúng hạn cho từng người lao động; trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội
và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật lao động.
Đối chiếu với trường hợp của bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh thì công ty thỏa thuận ký
kết hợp đồng lao động với một người lao động, người này sẽ thay mặt nhóm người
lao động nhận lương và trực tiếp đóng bảo hiểm xã hội cho nhóm người lao động
là không đúng quy định của pháp luật.
Về thời hạn của hợp đồng lao động được thực hiện theo quy định tại Điều 22 của
Bộ luật Lao động.
|