Dự thảo Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS) gồm 8 chương, 78 điều, quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục ĐGTS, đấu giá viên, doanh nghiệp ĐGTS, thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí ĐGTS, xử lý vi phạm, hủy kết quả đấu giá, bồi thường thiệt hại và quản lý nhà nước về ĐGTS. Dự thảo Luật không áp dụng đối với việc ĐGTS nhà nước ở nước ngoài và chứng khoán.
Thẩm tra Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật ĐGTS. Ủy ban Kinh tế cũng đồng thuận với Chính phủ trong nhiều nội dung quan trọng như về phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật, về mối quan hệ giữa Luật ĐGTS và các luật khác, về đấu giá viên, về doanh nghiệp ĐGTS, về Trung tâm dịch vụ bán ĐGTS...
Người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước từ 5% đến 20%
Một trong những điểm đáng chú ý của Dự thảo Luật trình Quốc hội là về niêm yết, đăng ký tham gia đấu giá, tiền đặt trước. Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, nhằm nâng cao chất lượng cuộc đấu giá, hạn chế tình trạng đối tượng tham gia đấu giá “ảo” nhằm mục đích trục lợi, gây khó khăn cho cuộc đấu giá, Dự thảo Luật quy định người tham gia đấu giá phải nộp một khoản tiền đặt trước từ 5% đến 20% so với giá khởi điểm của tài sản đấu giá thay cho mức từ 1% đến 15% như hiện nay.
Tiền đặt trước được nộp vào tài khoản riêng của doanh nghiệp đấu giá mở tại tổ chức tín dụng hoặc các bên có thể thỏa thuận thay thế nộp tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng, góp phần minh bạch hóa và tăng cường quản lý đối với khoản tiền đặt trước.
Để đảm bảo cuộc đấu giá được khách quan, minh bạch, thu hút nhiều người tham gia đấu giá để bán được tài sản với giá cao nhất, Dự thảo Luật quy định các doanh nghiệp ĐGTS không được đặt thêm yêu cầu, điều kiện đối với người đăng ký tham gia đấu giá ngoài các điều kiện mà pháp luật quy định, đồng thời quy định cụ thể thời gian, nội dung niêm yết việc ĐGTS; những trường hợp không được đăng ký tham gia ĐGTS; việc xử lý khoản tiền đặt trước của người tham gia đấu giá.
Cần quy định rõ lộ trình chuyển đổi
Nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp theo tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trên cơ sở kế thừa quy định của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán ĐGTS, Dự thảo Luật quy định mang tính nguyên tắc và lộ trình về việc chuyển đổi Trung tâm dịch vụ bán ĐGTS sang mô hình doanh nghiệp.
Theo đó, đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có từ 05 doanh nghiệp ĐGTS trở lên hoạt động có hiệu quả thì trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày Luật ĐGTS có hiệu lực, thực hiện chuyển đổi Trung tâm sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định việc chuyển đổi nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn hoạt động ĐGTS tại địa phương.
Thẩm tra Dự án Luật ĐGTS, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, đa số ý kiến đề nghị làm rõ chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm dịch vụ bán ĐGTS. Để phù hợp với chủ trương xã hội hóa hoạt động ĐGTS, đề nghị quy định rõ lộ trình cho việc chuyển đổi Trung tâm dịch vụ bán ĐGTS sang mô hình doanh nghiệp hoặc thậm chí chấm dứt hoạt động của các Trung tâm để bảo đảm triển khai thống nhất pháp luật.
Sau 04 năm thi hành Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, hoạt động ĐGTS đã đạt được những kết quả đáng kể. Tính đến ngày 31/12/2014 cả nước có 619 đấu giá viên đang làm việc tại các tổ chức đấu giá, 63 Trung tâm dịch vụ bán ĐGTS; 190 doanh nghiệp ĐGTS. Các loại tài sản bắt buộc đấu giá được mở rộng hơn, chất lượng hoạt động đấu giá ngày càng được nâng cao. Số hợp đồng đấu giá thành, giá trị tài sản bán được cao hơn nhiều so với giá khởi điểm, thu ngân sách nhà nước thông qua hoạt động đấu giá đạt hiệu quả cao. Theo số liệu thống kê thì từ tháng 7/2010 đến tháng 12/2014, các tổ chức ĐGTS đã ký 47.449 hợp đồng đấu giá với giá khởi điểm hơn 62.010 tỷ đồng, giá trị tài sản bán được hơn 67.273 tỷ đồng (vượt hơn 5.262 tỷ đồng so với giá khởi điểm).
./.