Hoàn thiện các quy định về quyền nhân thân
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Bộ luật Dân sự (BLDS) có hiệu
lực thi hành từ 1/1/2017, bổ sung nhiều quy định cơ chế pháp lý công nhận, tôn
trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực dân sự;
đặc biệt là hoàn thiện các quy định về quyền nhân thân của cá nhân, nhất là
trong tôn trọng, công nhận và bảo vệ quyền về họ tên, dân tộc, quốc tịch, hình
ảnh, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và uy tín; ghi nhận cá nhân được
chuyển đổi giới tính theo quy định của luật…
Cũng theo Thứ trưởng Lê Thành Long, cho phép chuyển đổi giới tính thể hiện
chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền con người,
quyền công dân. Tuy nhiên, BLDS chỉ quy định về nguyên tắc, còn phải có luật quy
định cụ thể vì hệ quả của việc chuyển đổi giới tính liên quan đến các quyền
khác như đăng ký hộ tịch, hộ khẩu… “Chúng tôi cố gắng càng sớm càng tốt để đưa
dự thảo luật này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa
sau” – Thứ trưởng Long cho biết.
BLDS cũng quy định chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự bao gồm cá nhân,
pháp nhân, Nhà nước CHXHCN Việt Nam, cơ quan nhà nước ở Trung ương (TƯ), ở địa
phương bình đẳng với các chủ thể khác khi tham gia quan hệ dân sự. Trường hợp
hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan
hệ dân sự thì các thành viên là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch
dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch
dân sự…
Hạn chế hình phạt tử hình trên thực tế
Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 được sửa đổi cơ bản và toàn diện là “công
cụ sắc bén, hữu hiệu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm trong điều kiện mới,
đấu tranh chống tham nhũng có hiệu quả, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội…” - Thứ
trưởng Bộ Tư pháp khẳng định.
Trong đó, BLHS bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương
mại phạm các tội trong lĩnh vực kinh tế, môi trường. Bãi bỏ hình phạt tử hình
đối với 07 tội danh, đồng thời mở rộng đối tượng không bị áp dụng hình phạt tử
hình đối với người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.
Mở rộng thêm 02 trường hợp không thi
hành án tử hình gồm người từ 75 tuổi trở lên và người bị kết án về tội tham ô
tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4
tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong
việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Trường hợp này sẽ
chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân nhằm góp phần hạn chế
hình phạt tử hình trên thực tế.
Trao đổi với báo chí về những quy
định này, Thứ trưởng Lê Thành Long cho biết, trong giai đoạn BLHS năm 2015 chưa
có hiệu lực thì việc nộp lại tiền chỉ là một điều kiện để xem xét giảm án,
ngoài ra phải đáp ứng các điều kiện khác như tích cực phối hợp với các cơ quan
điều tra… Tuy nhiên, đến thời điểm BLHS có hiệu lực mà chưa thi hành án thì áp
dụng quy định mới.
BLHS cũng đã thay thế tội “Cố ý làm
trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” bằng 09
tội danh mới nhằm tạo môi trường kinh doanh minh bạch, tránh sự tùy tiện trong
áp dụng. Ngoài ra, BLHS có những nội dung sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những
bất cập, hạn chế trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội
phạm trong tình hình mới; nội luật hóa các quy định có liên quan của điều
ước quốc tế mà nước ta là thành viên, góp phần tăng cường hợp tác quốc tế trong
đấu tranh phòng, chống tội phạm. BLHS có hiệu lực từ 1/7/2016.
Công nhận nghề thừa phát lại
Nghị quyết số 107/2015/QH13 của Quốc
hội (QH) về thực hiện chế định Thừa phát lại đã chấm dứt việc thí điểm và cho
thực hiện chính thức chế định Thừa phát lại từ 1/1/2016. Thứ trưởng Lê Thành
Long đánh giá: “Nghị quyết đã chính thức cho ra đời một nghề mới trong thị
trường dịch vụ pháp lý, tạo thêm công cụ pháp lý để người dân tự bảo vệ quyền,
lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia các giao dịch dân sự, kinh tế và trong
quá trình tố tụng”.
Chính phủ sẽ căn cứ tình hình thực
tế ở địa phương, tổ chức thực hiện chế định Thừa phát lại trong phạm vi hành
nghề theo quy định hiện hành, có sự sửa đổi, bổ sung cần thiết để khắc phục
những tồn tại, hạn chế trong hoạt động thừa phát lại và chịu trách nhiệm tổ
chức đào tạo nghề thừa phát lại.
Các tổ chức Thừa phát lại được thành
lập theo Nghị quyết 24/2008/QH12 và Nghị quyết 36/2012/QH13 sẽ tiếp tục hoạt
động theo quy định của các Nghị quyết này cho đến khi QH ban hành Luật Thừa
phát lại.
Để triển khai Nghị quyết, Bộ Tư pháp
sẽ tổ chức quán triệt Nghị quyết, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp
luật hiện hành về thừa phát lại, thực hiện đào tạo, bồi dưỡng thừa phát
lại và xây dựng Luật Thừa phát lại để trình QH thông qua trong khóa XIV.
Các luật và nghị quyết được công bố
cùng ngày còn có Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Tố tụng
Hành chính cùng 3 Nghị quyết thi hành; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; Luật Tổ
chức Cơ quan điều tra hình sự; Luật An toàn thông tin mạng; Luật Hoạt động giám
sát của QH và HĐND; Luật Kế toán; Luật Thống kê; Luật Khí tượng thủy văn; Bộ
luật Hàng hải; Luật Phí và lệ phí; Luật Trưng cầu ý dân; Luật Quân nhân chuyên
nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; Nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp
của QH, Nghị quyết về việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định Marrakesh
thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới.
Huy Anh
|