Triển khai thực hiện Quyết định số 843/QD-TTg ngày
06/6/2014 phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ
đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục và Quyết định số
1267/QD-TTg ngày 29/7/2014 phê duyệt Đề án xây dựng Bộ
pháp điển, Bộ Quốc phòng đã thực hiện pháp điển đối với đề mục số 7. Giáo dục
quốc phòng và an ninh thuộc chủ đề số 25. Quốc phòng và Bộ Tư pháp đã thực hiện
pháp điển đối với đề mục số 2. Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thuộc chủ đề số
12. Doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định. Hồ sơ kết quả pháp điển của 02 đề
mục trên đã được gửi đến Bộ Tư pháp để thẩm định đầy đủ, đúng trình tự, thủ tục
pháp luật.
Theo lộ trình thực hiện xây dựng Bộ pháp điển tại Quyết
định số 1267/QD-TTg, đề mục Giáo dục quốc phòng và an ninh thuộc đề mục Quốc
phòng nằm trong Giai đoạn 3 (2021-2023); đề mục Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
thuộc chủ đề Doanh nghiệp, hợp tác xã nằm trong Giai đoạn 2 (2018-2020). Trên
cơ sở thực hiện rà soát, xác định các văn bản quy phạm pháp luật pháp điển vào
02 đề mục trên có tính ổn định cao, có thể thực hiện pháp điển sớm, vì vậy, Bộ
Quốc phòng, Bộ Tư pháp đã tiến hành xây dựng Kế hoạch thực hiện pháp điển cho
mỗi đề mục (Quyết định số 2210/QD-BQP ngày 11/6/2015 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện pháp điển hệ thống quy phạm pháp
luật đối với đề mục Giáo dục quốc phòng và an ninh; Quyết định số 1093/QD-BYT
ngày 16/6/2015 ban hành Kế hoạch thực hiện pháp điển
hệ thống quy phạm pháp luật đối với đề mục Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp).
Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp đã phối
hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện pháp điển bảo đảm đúng quy trình,
trình tự theo quy định. Theo đó, đề mục Giáo dục quốc phòng an ninh có 10 văn bản
quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được sử dụng để pháp điển, 21 văn bản có
nội dung liên quan (do Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp), cấu trúc của
đề mục theo cấu trúc của Luật số 30/2013/QH13 ngày 19/6/2013 về Giáo dục quốc phòng và an ninh và được bổ sung thêm 01 Chương theo quy định
(Chương VIII Quy định về công tác giáo dục quốc phòng và anh ninh của các bộ,
ngành). Đối với đề mục Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp có 01 văn bản quy định
chi tiết, hướng dẫn thi hành được sử dụng để pháp điển (do Bộ Tài chính phối hợp)
và được xây dựng theo cấu trúc của Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 18/5/2008 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và bổ sung thêm 01 Chương theo quy
định (Chương IV Quy định việc lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân
sách nhà nước bảo đảm cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp).
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đã đánh
giá cao công tác chuẩn bị cũng như tác nghiệp thực hiện pháp điển đề mục Giáo
dục quốc phòng và an ninh, đề mục Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của Bộ Quốc
phòng, Bộ Tư pháp. Các đại biểu đều thống nhất nhận định kết quả pháp điển 02
đề mục trên về cơ bản bảo đảm chất lượng như: Sự chính xác, đầy đủ của các quy
phạm pháp luật trong các đề mục; sự phù hợp của vị trí quy phạm pháp luật trong
mỗi đề mục; sự tuân thủ trình tự, thủ tục pháp điển theo đề mục. Các thành viên
Hội đồng thẩm định cũng đã chỉ ra một số Điều trong 02 đề mục này có nội dung
liên quan đến văn bản khác mà chưa được chỉ dẫn cũng như một số Điều chưa được
sắp xếp hợp lý. Riêng đối với Thông tư số 08/2015/TT-BLĐTBXH ngày 27/2/2015 ban hành chương trình, giáo trình
môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh dùng cho trình độ trung cấp nghề, trình
độ cao đẳng nghề (chứa một số nội dung có tính mật), các thành viên Hội đồng
thẩm định cho rằng văn bản này không ban hành dưới dạng văn bản mật nhưng có
nội dung mật nêm không thực hiện pháp điển mà đề nghị Bộ Quốc phòng phối hợp
với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành kiểm tra và xử lý theo quy
định của Nghị định số 40/2010/NĐ-CP về công tác kiểm tra và xử lý văn bản QPPL.
Kết luận cuộc họp, Cục trưởng Đồng Ngọc Ba thay mặt Hội
đồng thẩm định nhận định kết quả pháp điển 02 đề mục: Giáo dục quốc phòng và an
ninh; Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp về cơ bản bảo đảm các yêu cầu quy định
tại Điều 10 Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật và đề nghị Bộ Quốc
phòng, Bộ Tư pháp tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định, chỉnh lý và sớm hoàn
thiện Hồ sơ gửi Bộ Tư pháp sắp xếp vào chủ đề và trình Chính phủ thông qua theo
quy định.
|