Triệt
phá 3.000 băng nhóm tội phạm
Báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138) tại cuộc
họp tổng kết công tác năm 2014 tổ chức ngày 28/1, cho biết: Năm qua, các lực
lượng đã điều tra khám phá trên 45.000 vụ phạm pháp hình sự, bắt giữ và xử lý
gần 87.000 đối tượng, đạt tỷ lệ trên 75%; phá trọng án đạt trên 90% (có địa
phương đạt 100%), triệt phá gần 3.000 băng, nhóm tội phạm các loại.
Phát hiện, xử lý gần 14.000 vụ phạm tội và
vi phạm pháp luật về kinh tế, tăng 14% so với năm 2013, trong đó có 439 vụ phạm
tội về tham nhũng (tăng 0,92%), trên 2.500 vụ buôn lậu (giảm 28,35%).
Về tội phạm vi phạm pháp luật môi trường:
Đã phát hiện, khởi tố, xem xét khởi tố điều tra 304 vụ, 356 đối tượng, xử phạt
hành chính hơn 7.000 vụ, thu gần 140 tỷ đồng; khởi tố 85 vụ, 384 bị can, trong
đó có 2 vụ và 39 đối tượng nước ngoài liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ
cao.
Lực lượng bảo vệ pháp luật phát hiện, điều
tra gần 20.000 vụ án về ma túy, bắt hơn 29.000 đối tượng, thu gần 730kg heroin,
hơn 340kg và gần 560.000 viên ma tuý tổng hợp.
Theo
BCĐ 138, mặc dù tội phạm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng giảm, nhưng tội
phạm trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản có xu hướng tăng, chiếm tới
45% tổng số vụ phạm tội.
Tội phạm kinh tế và tham nhũng vẫn diễn
biến phức tạp xảy ra ở nhiều ngành, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân
hàng, gây thất thoát lớn tài sản Nhà nước, doanh nghiệp, tác động xấu đến quá trình
tái cơ cấu nền kinh tế và hoạt động tài chính, ngân hàng.
Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại,
sản xuất, buôn bán hàng giả diễn ra phổ biến trên các tuyến biên giới, chủ yếu
là hàng tiêu dùng. Tội phạm công nghệ cao vẫn diễn biến phức tạp, nổi lên là
việc các đối tượng mở tài khoản ảo để huy động tiền, lập các website giả của
các ngân hàng, doanh nghiệp để chiếm đoạt tiền qua thanh toán trực tuyến.
Tội phạm ma tuý hoạt động manh động, trắng trợn, xu hướng sản xuất, mua bán,
vận chuyển và sử dụng các loại ma tuý tổng hợp gia tăng.
Để tội phạm không thể lộng hành
Mặc dù kết quả công tác phòng ngừa đấu tranh chống các loại tội phạm đã vượt
mục tiêu Quốc hội đặt ra, nhưng tại Hội nghị, đại diện các địa phương vẫn thẳng
thắn nhìn nhận: Sự chỉ đạo của cấp ủy tại một số địa phương chưa quyết liệt,
còn để tội phạm lộng hành, khiến nhân dân bức xúc.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung (Giám đốc Công an TP. Hà Nội), cần tiếp tục
tăng cường thực hiện các chuyên đề chuyên sâu trong phòng chống tội phạm, tổ
chức tốt công tác đấu tranh tội phạm nơi công cộng; đề nghị BCĐ 138 chỉ đạo
ngành Nội chính, đặc biệt là ngành Tòa án, sớm cùng lực lượng công an giải
quyết vấn đề hàm lượng liên quan đến các vụ án ma túy.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền kiến nghị cần đổi mới công tác
xây dựng thể chế trong lĩnh vực này.
Về phía địa phương, đại diện BCĐ 138 tỉnh Bình Dương cho rằng, chúng ta
mới chỉ quan tâm nhiều tới vấn đề tôn giáo, còn lĩnh vực an ninh công dân chưa
được quan tâm nhiều.
Sự kiện xảy ra tại tỉnh Bình Dương thời gian qua là một bài học, đòi hỏi
cần xây dựng các đội công nhân tự nguyện trong từng doanh nghiệp làm cơ sở phát
hiện thông tin. Nếu nhìn trong phạm vi cả nước, chúng ta nên có đánh giá và có
chính sách phù hợp với vấn đề này.
Là một địa phương nổi cộm vấn đề nhiều người bị đưa sang Trung Quốc bất
hợp pháp, đại diện tỉnh Bắc Giang cho biết, nhận thức pháp
luật của nhân dân còn hạn chế, trong khi chế tài xử lý người lao động xuất cảnh
còn bất cập. Phòng chống tội phạm mua bán người đòi hỏi các ngành phải thực sự
phối hợp chặt chẽ, nội dung kế hoạch phải được lồng ghép.
Trong đó, lực lượng công an phải là nòng cốt, chủ động nắm vững công tác
nhân khẩu; chính quyền các cấp phải đảm bảo ổn định đời sống kinh tế-xã hội;
cần thực hiện các chương trình dự án xoá đói giảm nghèo nâng cao đời sống nhân
dân, đặc biệt vùng dân tộc thiểu số. Ngoài ra, Chính phủ sớm ký kết Hiệp định
hợp tác lao động Việt Nam-Hàn Quốc để bảo đảm quyền lợi lao động khi bà con có
nhu cầu sang làm việc.
Đánh giá chung về công tác phòng chống tội phạm năm 2014, Phó Thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo 138 cho rằng các lực lượng chức năng đã có
nhiều cố gắng trong việc kiềm chế các băng nhóm tội phạm. Đặc biệt, với vai trò
nòng cốt, lực lượng công an đã tham mưu trực tiếp xử lý nhiều vụ việc trên các
địa bàn. Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã xây dựng được các mô hình, cảm hóa
người tái hòa nhập cộng đồng.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, việc chủ động nắm bắt
phát hiện tội phạm còn hạn chế, công tác tham mưu chưa kịp thời, còn bị động,
lúng túng. Vẫn còn nhiều địa phương làm chưa tốt việc bảo đảm ANTT, nhất là
chưa làm làm rõ trách nhiệm người đứng đầu tại các địa phương, do vậy, tội phạm
còn diễn biến phức tạp. Đây là những hạn chế cần khắc phục sớm.
Đảm bảo an toàn các sự kiện năm 2015
Với tinh thần kiềm chế sự gia tăng tội phạm, theo Phó Thủ tướng Nguyễn
Xuân Phúc, BCĐ 138 các cấp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, nâng cao
nhận thức, cảm hoá giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng; tăng cường công tác
nắm tình hình, thông tin báo cáo chính xác, phân loại xử lý tội phạm đảm bảo
khách quan.
Nhấn mạnh năm 2015 là năm có nhiều sự kiện quan trọng, Phó Thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các lực lượng bảo vệ pháp luật phải bảo đảm ANTT trên
địa bàn, bảo đảm an toàn cho Đại hội Đảng các cấp theo Chỉ thị 36-CT/TW của Bộ
Chính trị, trước mắt đảm bảo an toàn cho nhân dân vui xuân, đón Tết.
Bộ Công an sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia
phòng, chống tội phạm giai đoạn 2015-2025 và định hướng 2030…
Ngoài ra, cần tổ chức triển khai xác định các địa bàn trọng điểm phức
tạp về ANTT và tiến hành chuyển hóa; mở rộng hợp tác quốc tế trong đấu tranh
phòng chống tội phạm.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị BCĐ 138 tập trung triển khai có
hiệu quả các dự án luật đã được Quốc hội thông qua có liên quan trực tiếp đến
công tác phòng chống tội phạm.
|