Là người làm công tác TGPL, góp phần giảm thiểu
sự “thiếu đói pháp luật” trong dân. Đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa,
chúng ta luôn trăn trở, thao thức, tìm kiếm phương cách TGPL đạt hiệu quả cao.
Hơn 10 năm đi vào hoạt động, chương trình TGPL
mang đậm tính từ thiện xã hội, chúng ta rút ra được một số kinh nghiệm.
Đó là việc TGPL cho người nghèo, diện chính sách đòi hỏi người trợ giúp phải là
người vừa có tâm, vừa có tầm. Bởi vì đa số đối tượng nhờ tư vấn pháp luật
(TVPL), TGPL thường là những người gặp phải rắc rối liên quan đến việc tranh
chấp đất đai với người khác (lấn chiếm đất, chuyển nhượng đất...), trong việc
đền bù giải toả, tái định cư (tiền đền bù giải phóng mặt bằng không thoả
đáng...). Cũng có trường hợp đối tượng xin TGPL nêu thắc mắc về việc con em của
họ bị xử phạt hành chính, đưa vào trường giáo dưỡng không phù hợp quy định, con
em họ bị bạn bè xấu lôi kéo tham gia các tệ nạn xã hội, phạm pháp, hoặc nhờ
hướng dẫn làm thế nào để đối phó với nạn bạo hành trong gia đình...
Qua thực tiễn công tác, chúng tôi có thể phân
chia các loại hình trợ giúp pháp lý phổ biến là: Tư vấn lưu động, tư vấn tại cơ
quan tổ chức, tư vấn tại nhà riêng. Về phương thức tư vấn thông dụng: tư vấn
trả lời bằng miệng, tư vấn trả lời bằng văn bản, thảo đơn khiếu nại, tố cáo,
khởi kiện... Trong số các đối tượng nhờ tư vấn miễn phí, chúng ta cần đặc biệt
quan tâm giúp đỡ người chưa thành niên vi phạm pháp luật hoặc bị người khác xâm
hại thân thể, nhân phẩm, danh dự.
Muốn đạt hiệu quả trong hoạt
động TVPL, người làm công tác TVPL phải kiên tâm, lắng nghe để thấu hiểu tâm
tư, nguyện vọng của đối tượng nhờ TVPL, TGPL. Trợ giúp viên (TGV) không nên
nóng vội cắt ngang lời trình bày của đối tượng đến nhờ tư vấn mà phải mềm mỏng,
tạo điều kiện để họ mạnh dạn thổ lộ, giải bày sự thật về vụ việc một cách trung
thực. Tuy nhiên, TGV cũng không nên “nuông chìu” đối tượng nhờ tư vấn để cho họ
trình bày lan man không đi vào trọng tâm vụ việc, mà phải chủ động lưu ý đối
tượng cung cấp đầy đủ tài liệu liên quan bao gồm các văn bản, quyết định, thông
báo... giải quyết khiếu nại của cơ quan chức năng. Kể cả chứng cứ ban đầu về
nguồn gốc tài sản tranh chấp, khiếu nại như hợp đồng mua bán, chuyển nhượng tài
sản dù đã được cơ quan có thẩm quyền chứng thực hoặc giấy viết tay... Cũng như
các giấy tờ được chế độ cũ thiết lập, cấp phát: bằng khoán điền thổ, trích lục
địa bộ. Những tài liệu của chính quyền Cách mạng vào những ngày đầu mới giải
phóng như: tờ khai đăng ký quyển sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở, tờ khai đất
đai theo chỉ thị 299/TTg của Thủ tướng chính phủ... TGV nên đặt câu hỏi xoáy
vào trọng tâm vụ việc để đối tượng trả lời càng cụ thể càng tốt. Trường hợp số
tài liệu do đối tượng cung cấp có số lượng khá nhiều TGV nên dành thời gian
nghiên cứu, không nên trả lời cho họ ngay mà nên hẹn ngày trả lời. Sự thận
trọng là rất cần thiết, vì vội vàng sẽ dẫn đến khả năng tư vấn thiếu chính xác.
Ngạn ngữ có câu: “Sai một ly đi một dặm” dẫn tới hậu quả khôn lường: Vừa thiệt
thòi cho đối tượng, vừa mất uy tín TGV lẫn cơ quan tổ chức TGPL.
Trải nghiệm thực tiễn, chúng
ta có thể đúc kết: loại hình TGPL nào cũng có mặt tích cực và mặt hạn chế của
nó.
a. Về TGPL tại nhà riêng
Thuận lợi: Việc tư vấn tại nhà riêng diễn
ra ngoài giờ làm việc hành chính. Nhờ vậy, đối tượng cần trợ giúp không
bị chi phối bởi công ăn việc làm. Hơn nữa, ở nhà riêng của TGV, đối tượng có
thể mạnh dạn tỏ bày tâm tư “tận đáy lòng”, kể cả những vấn đề nhạy cảm, khó nói
trước nhiều người.
Hạn chế: Tư vấn tại nhà riêng ít nhiều ảnh hưởng
tới nếp sinh hoạt gia đình của TGV, đôi khi phát sinh tiêu cực từ phía
đối tượng nhờ tư vấn (bồi dưỡng quà cáp cho trợ giúp viên) hoặc TGV lợi dụng
vai trò tư vấn tại gia không có ai giám sát dễ yêu sách đối tượng bồi dưỡng
(tiền bạc, quà cáp).
b. Về TGPL tại cơ quan tổ chức
Thuận lợi: Tại trụ sở làm việc trước mặt
“bá quan văn võ” TGV chủ động, thoải mái tiếp xúc trao đổi, tư
vấn cho đối tượng trong giờ hành chính, một cách công khai, minh bạch.
Hạn chế: Không gian và thời gian
không thoải mái cho đối tượng trước những vấn đề mà đối tượng nhờ tư vấn khó giãi
bày trước chỗ đông người như: quan hệ thầm kín giữa vợ chồng, đạo hiếu
giữa con cháu đối với ông bà, cha mẹ... trước những vấn đề mang tính tế nhị như
thế, thường thì đối tượng chỉ muốn tiếp xúc, thổ lộ riêng với TGV mà thôi.
c. Về TGPL lưu động
Thuận lợi: Do môi trường tư vấn gồm
nhiều TGV, hoạt động sinh động hào hứng, đầy khí thế khiến TGV hưng phấn khi
tiếp xúc, tư vấn cho đối tượng. Khi gặp phải vấn đề “hóc búa” TGV có thể tham
khảo ý kiến các thành viên trong đoàn công tác trước khi trả lời cho đối tượng.
Ở nơi vùng sâu, vùng xa đối tượng nhờ tư vấn thường rất tin tưởng lời hướng dẫn
của TGV.
Hạn chế: Về mặt nhận thức không loại
trừ khả năng, đối tượng nhờ trợ giúp nhầm lẫn TGV với người có thẩm quyền giải
quyết khiếu nại, khiến TGV phải giải thích, xác định vai trò, quyền hạn của
mình. Mặt khác, đa số đối tượng nhờ tư vấn là thành phần “chân lấm tay bùn”
trình độ hiểu biết pháp luật rất hạn chế nên họ e dè, không xác định rõ ràng,
cụ thể yêu cầu của họ cho TGV nên hiệu quả tư vấn không cao. Về phía chính
quyền sở tại, có lúc, có nơi họ e ngại TGV giải thích pháp luật một cách thẳng
thắn khiến người dân đòi hỏi quyền lợi, chính quyền phải lúng túng khi giải
quyết đòi hỏi của người dân. Cũng có trường hợp TGV vì quá hăng say, thiếu cân
nhắc hướng dẫn đối tượng khiếu nại vượt cấp: nếu chính quyền địa phương không
giải quyết thì đối tượng có thể khiếu nại lên Văn phòng Quốc Hội, Văn phòng
Chính phủ...
Trong thời kỳ Nhà nước ta mở rộng dân chủ, đẩy
mạnh quan hệ đầu tư, thương mại với các nước trong khu vực và trên thế giới thì
quyền và lợi ích chính đáng của người dân luôn được nhà nước quan tâm nhằm cải
thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Để công tác TGPL ngày càng mang lại hiệu quả. Cơ
quan quản lý nhà nước về TGPL phải có chính sách thích hợp nhằm lôi cuốn các
CTV làm công tác TGPL giàu tâm huyết hợp tác với chương trình TGPL từ phố thị
đến nông thôn. Các phương tiện truyền thông đại chúng: báo chí, đài phát thanh,
đài truyền hình... thường xuyên đưa tin quảng bá về tính thiết thực của công
tác TGPL. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan, tổ chức TGPL với chính
quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp...
mà trung tâm kết nối hoạt động TGPL tạo sự tin tưởng hợp tác gắn bó đối tượng
với chương trình TGPL thông qua Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ). Nên chăng
chúng ta mạnh dạn thử nghiệm mô hình TGPL “hỗn hợp”, kết hợp hoạt động TVPL với
hoạt động hỗ trợ vật chất cho đối tượng như: khám bệnh, phát thuốc, giao lưu
văn nghệ “bỏ túi”, đố vui pháp luật, kịch bản tình huống giả định (hoà giải
tranh chấp tài sản, bài trừ mê tín dị đoan...).
Hoạt động TGPL tương
đối mới mẻ nên định kỳ tổ chức sơ kết, qua đó tổng kết phát huy ưu điểm, khắc
phục nhược điểm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động TGPL, hoàn thiện
dần các mô hình TGPL, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của cộng đồng./.
Minh Loan
|