Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu bế mạc Hội nghị
Chiều 11/10, tại trụ sở Trung ương Đảng, Hội nghị lần thứ 12, Ban Chấp
hành Trung ương Đảng khóa XI đã bế mạc sau 7 ngày làm việc khẩn trương,
nghiêm túc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và có bài phát biểu
quan trọng bế mạc Hội nghị.
Về tình hình phát triển kinh tế- xã hội năm 2015, Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng nêu rõ: Ban Chấp hành Trung ương thống nhất nhận định tình
hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm tiếp tục có những chuyển biến tích
cực, đạt được nhiều kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Nổi bật là kinh tế tiếp tục phục hồi, tăng trưởng cao hơn so với kế
hoạch đề ra. Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ
bản được đảm bảo. Việc triển khai thực hiện các đột phá chiến lược, cơ
cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trường được đẩy mạnh.
Văn hóa, xã hội tiếp tục có tiến bộ; an sinh xã hội được bảo đảm;
phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; công tác
giảm nghèo, thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, chăm sóc
sức khỏe nhân dân được triển khai tích cực.
Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao
chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh có
bước tiến mới.
Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết
kiện được tập trung chỉ đạo, tạo ra những chuyển biến tích cực.
Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả quan trọng
nổi bật, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của đất nước trên trường
quốc tế. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ
vững. Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2015 như dự kiến, tạo
tiền đề thuận lợi cho xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch phát triển
kinh tế- xã hội, Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu: từ nay đến cuối năm,
cần tập trung củng cố, phát huy những kết quả, thành tựu đã được được,
khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại. Đồng thời, tiếp tục cập
nhật tình hình để nâng cao độ chuẩn xác, tính toàn diện, sâu sắc của các
dự báo, bao gồm cả các dự báo ngắn hạn đến hết năm 2015 và dự báo dài
hạn cho năm 2016 và các năm tiếp theo.
Chú ý dự báo, đánh giá khách quan, toàn diện những diễn biến kinh tế-
xã hội của đất nước, khu vực và thế giới, tác động đa chiều của việc
tham gia, thực hiện các điều ước quốc tế trong các năm 2015-2016, nhất
là các Hiệp định hình thành cộng động kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015 và
các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Nhận thức đầy đủ, đúng đắn thuận lợi, thời cơ cũng như khó khăn,
thách thức mà các hiệp định này có thể tạp ra để chuẩn bị trước những
điều kiện và có những chính sách, biện pháp ứng phó phù hợp, có lợi nhất
cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tinh thần này cần đặc biệt
được thấm nhuần và quán triệt sâu sắc khi Việt Nam đã cùng với 11 nước
khác đạt được thỏa thuận về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương
(TPP) - một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với nhiều kỳ vọng lớn
nhưng cũng không ít những thách thức mới.
Về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016, trên cơ sở những
định hướng Trung ương thảo luận và thống nhất, Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng chỉ rõ: cần tiếp tục rà soát thật kỹ, xác định đúng các chỉ tiêu
chủ yếu, các cân đối lớn của nền kinh tế, định hướng phát triển một số
ngành, lĩnh vực quan trọng và những nhiệm vụ trọng tâm, những giải pháp
có tính đột phá.
Đặt kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016 trong tổng thể phát
triển kinh tế- xã hội 5 năm 2016-2020 và triển khai thực hiện Nghị quyết
Đại hội XII của Đảng. Chú trọng thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ và
giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển bền vững, phát
triển văn hóa – xã hội, xây dựng con người.
Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đặc biệt là lành mạnh hóa và
đảm bảo cân đối thu- chi ngân sách nhà nước, giảm dần bội chi, kiểm
soát nợ công thật sự an toàn. Kiên quyết, kiên trì xử lý nợ xấu và các
ngân hàng thương mại yếu kém, nâng cao độ an toàn, tin cậy của hệ thống
các ngân hàng thương mại; đồng thời nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả
hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước.
Khẩn trương chuẩn bị báo cáo trình Trung ương, Quốc hội xem xét,
quyết định phương án chuẩn bị chính thức ký kết, phê chuẩn, triển khai
thực hiện Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), bảo đảm cao
nhất lợi ích quốc gia, dân tộc.
Về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng cho biết: trên cơ sở phương hướng và quy trình công tác
nhân sự, kết quả giới thiệu nhân sự qua hai vòng, Trung ương đã thảo
luận dân chủ, xem xét khách quan, công tâm, toàn diện về dự kiến Danh
sách nhân sự mới lần đầu được giới thiệu tham gia Ban Chấp hành Trung
ương khóa XII và các phương án lựa chọn; đồng thời phân tích, đánh giá,
góp nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết, bổ sung vào các báo cáo và phương
án nhân sự. Ban Chấp hành Trung ương cơ bản tán thành với Báo cáo của Bộ Chính
trị và thảo luận, đề xuất nhiều ý kiến về tiêu chí xem xét trường hợp
“đặc biệt” đối với Ủy viên Trung ương và Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí
thư khóa XI tái cử khóa XII, tiêu chuẩn cụ thể cho từng chức danh (Tổng
Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội); về các
phương án lựa chọn các chức danh lãnh đạo chủ chốt.
Trung ương nhất trí cho rằng việc thảo luận và thống nhất cao vấn đề
này là cơ sở rất quan trọng để Trung ương bàn và quyết định nhân sự cụ
thể. Tổng Bí thư nhấn mạnh: Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị
và Tiểu ban Nhân sự căn cứ Nghị quyết của Hội nghị, Báo cáo giải trình,
tiếp thu của Bộ Chính trị và các ý kiến đóng góp của Trung ương, tiếp
tục xem xét, rà soát thật kỹ, bổ sung, hoàn chỉnh các phương án nhân sự
theo đúng quy trình công tác nhân sự đã đề ra để báo cáo Trung ương xem
xét, quyết định tại các Hội nghị Trung ương tiếp theo.
Đối với phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân
các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, Hội nghị Trung ương nhấn mạnh cuộc bầu cử
đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân dân các cấp lần này tiếp
tục được tổ chức vào cùng một ngày trên phạm vi cả nước.
Tổng Bí thư chỉ rõ: phấn đấu giới thiệu, lựa chọn, bầu ra những đại
biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân thật sự tiêu biểu, xứng đáng
đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; bảo đảm
đúng tiêu chuẩn, số lượng, có cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn,
chất lượng đại biểu là ưu tiên hàng đầu, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu
chuẩn. Phấn đấu bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội và đạt tỷ lệ đại biểu Quốc
hội chuyên trách theo đúng quy định của Luật về bầu cử đại biểu Quốc
hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân năm 2015.
Trong quá trình chuẩn bị và tiến hành bầu cử, phải quán triệt thực
hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng về bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ
trong các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; gắn kết quả nhân
sự đại hội đảng bộ các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị
nhân sự đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Bộ Chính
trị sẽ ban hành chỉ thị; chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội khẩn trương hoàn
chỉnh Đề án tổ chức thực hiện, bảo đảm chuẩn bị và tổ chức thành công
cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp
nhiệm kỳ 2016-2021.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Hội nghị Trung ương 12 đã
thành công tốt đẹp. Với những nội dung của hội nghị, tổ chức thực hiện
tốt Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần này sẽ góp phần tích cực vào
việc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2015;
xây dựng và thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016; làm
tốt công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; lãnh đạo, chỉ
đạo cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ
2016-2021; củng cố, tăng cường bộ máy nhà nước, đáp ứng yêu cầu, nhiệm
vụ giai đoạn 2016-2021.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu mỗi vị Ủy viên Trung ương cần
nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đi đầu thực hiện và
lãnh đạo tổ chức thực hiện thật tốt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, các
Nghị quyết của Trung ương và đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị Trung ương
lần này.
|