Tham dự Hội nghị có bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Chánh án Tòa án nhân
dân tối cao; ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu;
đại diện các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân
dân tối cao, Liên đoàn luật sư và Hội luật gia Việt Nam; đại diện một số tỉnh,
thành phố và đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Qua 06 năm thi hành Luật TNBTNN trên cả nước có 258 vụ việc yêu
cầu bồi thường thiệt hại đã được thụ lý
Khẳng định sự quan trọng của Luật TNBTNN đối với đời sống xã hội
trong những năm qua, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, nhận thức của cán
bộ, người dân, doanh nghiệp về Luật TNBTNN đã được nâng cao. Cùng với Luật
TNBTNN, đã có nhiều văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành tạo thành một khuôn
khổ văn bản pháp luật về bồi thường nhà nước, trên cơ sở đó có rất nhiều công
việc đã được tiến hành ở Trung ương và địa phương từ việc tuyên truyền, phổ
biến pháp luật, đào tạo, bồi dưỡng đến giải quyết các vụ việc cụ thể. Đặc biệt
Luật TNBTNN đã nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước và cán
bộ thực hiện nhiệm vụ trong quá trình thi hành pháp luật.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất
cập của Luật BTNN qua 6 năm thi hành, theo đó, Hiến pháp năm 2013 với các quy
định về quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền được bồi thường, do
đó quy định của Luật TNBTNN cũng không còn phù hợp; việc Quốc hội thông qua 04
Bộ luật trụ cột (Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự và Bộ
luật tố tụng hình sự) cho thấy sự phát triển của hệ thống pháp luật, quy định
của luật TNBTNN đã không còn đồng bộ; bản thân quy định của pháp luật về TNBTNN
cũng bộc lộ nhiều bất cập… Dự kiến tháng 10 năm 2016, Chính phủ sẽ trình Quốc hội
Luật sửa đổi Luật TNBTNN, do đó các ý kiến đóng góp tại Hội nghị sẽ làm cơ sở
để sửa đổi Luật này.
Báo cáo tổng kết 06 năm thi hành Luật TNBTNN cho thấy, từ khi Luật
có hiệu lực đến ngày 31/12/2015, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thụ
lý, giải quyết được 258 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại, trong đó, có 204
vụ việc đã có Quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực với số tiền bồi
thường là 111 tỷ 149 triệu 416 nghìn đồng (142 vụ việc đã được chi trả với số
tiền là 48 tỷ 756 triệu 284 nghìn đồng); 54 vụ việc còn đang được giải quyết.
Theo ông Nguyễn Văn Bốn, Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước, kết
quả hoạt động giải quyết bồi thường trong 06 năm qua cho thấy Luật TNBTNN đã
đáp ứng yêu cầu và mục tiêu tạo cơ chế khả thi để người bị thiệt hại thực hiện
yêu cầu bồi thường, đồng thời đảm bảo sự ổn định của hoạt động công vụ, bảo đảm
giải quyết hài hòa lợi ích giữa một bên là Nhà nước, người thi hành công vụ với
một bên là cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp bị thiệt hại. Bên cạnh các kết quả
đạt được trong 06 năm triển khai thi hành Luật TNBTNN, ông Nguyễn Văn Bốn cũng
nêu ra những bất cập trong việc triển khai thực hiện các quy định của Luật này.
Nghiên cứu quy định về miễn trừ hoàn trả cho một số chức danh tư
pháp
Đánh giá cao quá trình triển khai thực hiện Luật TNBTNN của Bộ Tư
pháp và các cơ quan có liên quan trong những năm qua, bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó
Chánh án TANDTC bày tỏ quan điểm đồng tình với ông Nguyễn Văn Bốn về những kết
quả đạt được và những tồn tại, hạn chế trong việc thi hành Luật TNBTNN 06 năm
qua. Bà cho biết, ngay sau khi Luật TNBTNN có hiệu lực, TANDTC đã tổ chức nhiều
hội nghị, tọa đàm, tập huấn bồi dưỡng Luật đối với TAND các cấp; phối hợp chặt
chẽ với Bộ Tư pháp để hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành dưới luật. Lãnh
đạo TANDTC cũng có nhiều chỉ đạo sâu sắc, quyết liệt, toàn diện trong việc nâng
cao trách nhiệm công vụ của các Thẩm phán trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Cho đến nay, Tòa án nhân dân đã thụ lý 27 yêu cầu bồi thường thuộc
trách nhiệm của tòa án, và giải quyết được 17 trường hợp thông qua thương lượng
và đã bồi thường hơn 10,7 tỉ; 02 trường hợp đang trong quá trình thương lượng,
giải quyết và đình chỉ giải quyết 08 trường hợp. Bàn về giải pháp khắc phục tồn
tại, hạn chế của Luật TNBTNN đồng thời để sửa đổi, bổ sung Luật này, bà Nguyễn
Thúy Hiền đề xuất nhiều giải pháp thiết thực, trong đó có việc cần tiếp tục
nghiên cứu, hoàn thiện văn bản pháp luật về bồi thường nhà nước. Bà cho rằng,
trên thực tế phát sinh nhiều loại thiệt hại, nhưng Luật chưa bao quát được hết
ví dụ như: các chi phí phát sinh trong quá trình khiếu nại, tố cáo, thiệt hại
về tiền lãi, tài sản hình thành trong tương lai. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu
quy định về miễn trừ trách nhiệm hoàn trả số tiền nhà nước đã bồi thường trong
trường hợp một số chức danh tư pháp đã gây ra do lỗi vô ý. Mức hoàn trả phải
được xác định trong phạm vi phù hợp để có thể thi hành trên thực tế. Đối với
nghĩa vụ chứng minh khi có thiệt hại xảy ra, nếu vẫn áp dụng nguyên tắc chứng
minh theo pháp luật dân sự thì không hợp lý. Theo Bà cần chuyển trách nhiệm
chứng minh sang cho nhà nước. Người bị thiệt hại chỉ cần nêu là có thiệt hại,
còn nhà nước phải có trách nhiệm chứng minh để giảm bớt gánh nặng chứng minh
cho người dân.
Tư duy mới về mô hình thực hiện trách nhiệm bồi thường
nhà nước
Cũng theo Bà Nguyễn Thúy Hiền, cần nghiên cứu xây dựng mô hình cơ
quan giải quyết bồi thường tập trung, việc giải quyết yêu cầu bồi thường nhà
nước tập trung về một cơ quan chuyên trách, cơ quan đó sẽ đại diện cho nhà nước
để tham gia tố tụng. Đây là mô hình giải quyết trách nhiệm bồi thường của Nhà
nước được nhiều nước trên thế giới áp dụng hiệu quả. Theo đó, cơ quan quản lý
người thi hành công vụ gây thiệt hại không trực tiếp giải quyết yêu cầu bồi
thường thiệt hại; khi phát sinh quyền yêu cầu bồi thường nhà nước, người bị
thiệt hại có quyền gửi đơn yêu cầu cơ quan chuyên trách giải quyết yêu cầu bồi
thường thiệt hại. Trường hợp hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp
luật hoặc người bị thiệt hại không đồng ý với quyết định của cơ quan chuyên
trách giải quyết bồi thường thì có thể khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền giải
quyết yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại theo quy định chung của pháp luật tố
tụng dân sự.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch
UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng cho rằng, cần có tư duy mới về mô hình thực
hiện trách nhiệm bồi thường nhà nước, tuy nhiên phải nghiên cứu thấu đáo để đảm
bảo tính khả thi. Bởi mô hình tập trung không có nghĩa là cơ quan đầu mối này
sẽ giải quyết hết được, rồi nếu giải quyết yêu cầu bồi thường cho người bị
thiệt hại nhưng lại tách nghĩa vụ hoàn trả của cán bộ công chức vẫn do cơ quan
quản lý cán bộ công chức chịu trách nhiệm thì vẫn khó trong quản lý.
Trách nhiệm hoàn trả kinh phí bồi thường của công chức khi thi
hành công vụ do lỗi cố ý
Liên quan đến trách nhiệm hoàn trả kinh phí bồi thường của công
chức khi thi hành công vụ, ông Hoàng Thái Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ
Tài chính cho biết, công tác hoàn trả kinh phí bồi thường thời gian qua, chủ
yếu là việc giải quyết mối quan hệ giữa cơ quan có trách nhiệm bồi thường với
cán bộ, công chức của cơ quan đó. Trên thực tế số vụ việc bồi thường, kinh phí
bồi thường tăng, nhưng số tiền thu hoàn trả từ trách nhiệm của công chức mới
chỉ thực hiện được 16 vụ với gần 741 triệu đồng. Theo ông, nguyên nhân là do
Luật TNBTNN mới chỉ quy định trách nhiệm hoàn trả trong hoạt động tố tụng trong
trường hợp có lỗi cố ý. Mức
hoàn trả kinh phí không được quy định trong Luật mà được quy định trong Nghị
định số 16/2010/NĐ-CP ngày 03/3/2010 của Chính phủ. Theo Nghị định này, trách
nhiệm hoàn trả của công chức khi vi phạm pháp luật trong nhiều trường hợp còn
thấp, chưa tương xứng với khoản tiền mà Nhà nước chi trả bồi thường cho cá
nhân, tổ chức bị thiệt hại nên chưa đủ sức răn đe. Vì vậy, cần có sự nghiên
cứu và sửa đổi, bổ sung phù hợp để công chức đủ tự tin, yên tâm và có trách
nhiệm cao trong thi hành công vụ. Việc xác định mức hoàn trả cần phải xem xét
trên mức độ lỗi, trách nhiệm của công chức trong mỗi vụ việc để buộc họ phải
tiến hành hoàn trả lại kinh phí cho ngân sách Nhà nước.
Tại
Hội nghị, thay mặt Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã trao
Bằng khen Bộ trưởng cho các tập thể và cá nhân có thành tích trong việc xây
dựng và thi hành Luật TNBTNN. |