Phát
biểu khai mạc Tọa đàm, bà Đỗ Hoàng Yến cho biết sau 04 năm thi hành Nghị định
số 17/2010/NĐ-CP, hoạt động bán đấu giá tài sản đã có bước phát triển đáng kể. Tính đến thời điểm hiện nay, cả nước có gần 1200 đấu giá
viên; 63 Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản được thành lập tại các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương và 190 doanh nghiệp bán đấu giá tài sản. Hằng
năm các doanh nghiệp, trung tâm bán đấu giá lượng tài sản rất lớn thu về cho
nhà nước hàng trăm nghìn tỷ đồng. Hoạt động bán đấu giá tài sản cũng nhờ hệ
thống cơ sở pháp luật, thể chế ngày càng hoàn thiện, các đạo luật chuyên ngành
phát triển theo hướng xã hội hóa, chuyên nghiệp hóa. Rất nhiều doanh nghiệp
hình thành phát triển mới trong lĩnh vực đấu giá tài sản tạo ra lượng lớn công
ăn việc làm cho người lao động.
Tuy nhiên hoạt động bán đấu giá tài sản vẫn còn manh mún,
thể chế chưa được hoàn thiện, văn bản quy định về trình tự thủ tục bán đấu giá
tài sản cao nhất mới là Nghị định số 17/2010/NĐ-CP. Sau khi Nghị định ra đời,
có rất nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành quy định về hoạt động bán đấu giá tài
sản với sự đa dạng, phong phú về thể chế ở các lĩnh vực, tạo sự không
thống nhất, chồng chéo khó khăn trong công tác quản lý.
Các đại biểu tham dự Tọa
đàm tập trung trao đổi các vấn đề liên quan đến phạm vi điều chỉnh và đối
tượng điều chỉnh; quy định lộ trình chuyển đổi
Trung tâm
dịch vụ bán đấu
giá tài
sản sang mô hình
doanh nghiệp. Theo đó, về phạm vi điều chỉnh và đối tượng điều chỉnh,
hiện nay có 02 loại ý kiến khác nhau: Ý kiến thứ nhất cho rằng cần có quy định
chung, thống nhất về trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản đối với tất cả các
loại tài sản không có tính đặc thù. Ý kiến thứ hai cho rằng Dự thảo Luật Đấu giá tài sản chỉ nên điều chỉnh trình tự, thủ tục của các loại tài sản bắt buộc phải bán đấu giá theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, pháp luật về giao dịch bảo đảm, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và pháp luật đất đai, bổ sung thêm đối tượng áp dụng là bán đấu giá tài sản thanh lý của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản và hàng dự trữ quốc gia, do các văn bản pháp luật về các loại tài sản này đã có quy định việc bán đấu giá thực hiện theo pháp luật về bán đấu giá. Đối với các loại tàn sản mà pháp luật chuyên ngành đã
có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục bán đấu giá thì không cần thiết đưa vào phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu giá tài sản.
Việc
chuyển đổi Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản sang mô hình doanh nghiệp đã
được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 53 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP. Tuy nhiên,
đến nay, vẫn chưa có Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản nào chuyển đổi sang
mô hình doanh nghiệp. Thực tiễn trên đặt ra yêu cầu cần phải có quy định về lộ
trình, tiêu chí cụ thể cho việc chuyển đổi Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài
sản sang mô hình doanh nghiệp bán đấu giá tài sản, tiến tới việc Trung tâm dịch
vụ bán đấu giá tài sản chỉ còn tồn tại ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, những
nơi có nhu cầu về bán đấu giá tài sản ít và vẫn cần Trung tâm dịch vụ bán đấu
giá tài sản để thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình.
Qua các ý kiến trao đổi của
buổi Tọa đàm càng khẳng định hơn nữa mục đích của việc xây
dựng Luật Đấu giá tài sản nhằm tạo sự thống nhất về thể chế, xây dựng quy định
thủ tục, trình tự bán đấu giá tài sản, định hướng hoạt động bán đấu giá tài sản
theo hướng chuyên nghiệp hóa xã hội hóa đáp ứng điều kiện của nền kinh tế thị
trường theo hướng phát triển mới, hướng tới hội nhập kinh tế quốc tế.
|