Với những chuyển biến
tích cực, thể hiện tư duy lập pháp mới trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp
quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, công tác xây dựng pháp
luật đã giúp cho hệ thống pháp luật Việt Nam được định hình một cách rõ nét
trên tất cả các lĩnh vực, làm nền tảng cơ sở cho việc tiếp tục hoàn thiện hệ
thống pháp luật, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội
nhập quốc tế.
Nhiều đạo luật “rường
cột” đã được thông qua
Chỉ tính riêng trong năm
2015, các bộ, cơ quan đã tích cực tham mưu giúp Chính phủ chủ trì, phối hợp xây
dựng, chỉnh lý, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thông qua 19
dự án luật và nhiều pháp lệnh (trong đó có nhiều đạo luật quan trọng, được coi
như “rường cột” của hệ thống pháp luật như Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật
Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng Hình sự
(sửa đổi), Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa
phương...), qua đó đưa tổng số các luật, pháp lệnh được Quốc hội, UBTVQH thông
qua từ năm 2011-2015 là 100 văn bản.
Đặc biệt, việc Quốc hội
thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) (hợp nhất) đã góp
phần hoàn thiện thể chế cho công tác xây dựng VBQPPL. Đây được coi là công cụ
quan trọng để thiết lập một mặt bằng thể chế thống nhất cho hệ thống pháp luật
quốc gia, củng cố trật tự ban hành pháp luật của các cơ quan nhà nước từ Trung
ương đến địa phương, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia, phản
biện và giám sát của nhân dân trong quá trình xây dựng và vận hành hệ thống
pháp luật.
Bộ Tư pháp cũng nhận
định, trong thời gian này, công tác xây dựng, ban hành VBQPPL thuộc thẩm quyền
của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được thực hiện nghiêm túc hơn, việc điều
chỉnh tiến độ trình các văn bản đã từng bước được khắc phục. Đặc biệt, công tác
theo dõi, đôn đốc việc ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh luôn
được Bộ Tư pháp chú trọng kể từ khi công tác này được chuyển giao từ Văn phòng
Chính phủ sang Bộ Tư pháp (từ giữa năm 2013).
Trong năm 2015, các bộ,
cơ quan đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo
thẩm quyền 1.001 văn bản, (gồm nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ,
thông tư, thông tư liên tịch), giảm 11 văn bản so với năm 2014, trong đó có 53
văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nâng tổng số văn bản được
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành ban hành trong nhiệm kỳ 2011-2015
là 3.571 văn bản.
Chất lượng các văn bản,
đề án nhìn chung được nâng lên, có tác động tích cực tới đời sống xã hội. Riêng
Bộ Tư pháp đã trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 38 văn bản; hoàn
thành 9/9 văn bản quy định chi tiết thi hành luật, đạt tỷ lệ 100%.
Tại các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương, năm 2015 đã ban hành 3.080 VBQPPL, giảm 15,24% so với
năm 2014. Tính cả nhiệm kỳ 2011-2015, các địa phương (cấp tỉnh) đã ban hành
16.860 VBQPPL, việc ban hành VBQPPL cơ bản bảo đảm chất lượng, tiến độ và quy
trình soạn thảo, đáp ứng kịp thời yêu cầu chỉ đạo, điều hành các mặt kinh tế -
xã hội trên địa bàn.
Cũng trong năm 2015, Bộ
Tư pháp đã chủ trì, cùng với các bộ, ngành, địa phương giúp Ban Cán sự Đảng
Chính phủ hoàn thành tốt việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48 về
Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Chưa khắc phục được tình
trạng xin lùi, xin rút
Tuy nhiên, có một hạn
chế đã được chỉ ra từ nhiều năm, đến năm 2015 vẫn chưa được khắc phục là tình
trạng xin lùi, xin rút các dự án luật khỏi Chương trình của Quốc hội. Một số dự
án phải xin rút khỏi Chương trình, xin lùi thời hạn trình như Luật Biểu tình,
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Dân số.
Bộ Tư pháp nhận định trong nhiệm kỳ 2011-2015, mặc dù có thời điểm tình trạng
nợ đọng văn bản quy định chi tiết được khắc phục khá tốt, nhưng nhìn chung tình
trạng nợ đọng còn phổ biến.
Đến cuối năm 2015 còn nợ
34 văn bản, tăng 16 văn bản so với năm 2014. Trong số văn bản quy định chi tiết
luật, pháp lệnh, rất ít văn bản bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực
của luật, pháp lệnh. Tình trạng này đã có tác động không nhỏ, gây ảnh hưởng đến
công tác tổ chức triển khai thi hành luật, pháp lệnh, đến quyền, lợi ích của
các cơ quan, tổ chức cá nhân, nhất là tình trạng nợ đọng các văn bản quy định
chi tiết Luật đầu tư, Luật Doanh nghiệp.
Việc ban hành các thông
tư, thông tư liên tịch còn chậm tiến độ, ít có chuyển biến trong cả nhiệm kỳ.
Bên cạnh đó, chất lượng thẩm định VBQPPL tuy đã được cải thiện một bước
nhưng vẫn còn để lọt nội dung thiếu tính khả thi, chưa hợp lý.
Lan Phương |