Về vấn đề này, Bộ Y tế trả lời ý kiến cử
tri tỉnh Đắk Lắk như sau:
Không làm tăng thủ tục hành chính về
BHYT trong bệnh viện
Thời gian vừa qua, để nâng cao chất lượng
khám chữa bênh (KCB) tại các cơ sở y tế vì mục tiêu đáp ứng sự hài lòng của
người bệnh, giảm thời gian chờ đợi trong KCB, giảm bớt phiền hà cho người
bệnh, Bộ Y tế đã ban hành Chương trình 527/CTr-BYT ngày 18/6/2009, Quy trình
khám bệnh tại khoa khám bệnh kèm theo Quyết định số 1313/QĐ-BYT ngày 22/4/2013,
Mẫu bảng kê chi phí KCB tại các cơ sở KCB kèm theo Quyết định số 3455/QĐ-BYT
ngày 16/9/2013 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 517/QĐ-BYT ngày 23/02/2011 để
chỉ đạo các bệnh viện:
- Rà soát thủ tục KCB BHYT, bố trí hệ
thống đăng ký và nơi khám bệnh một cách khoa học, hợp lý, phù hợp với điều kiện
thực tế của đơn vị. Cải tiến quy trình, thủ tục hành chính, bổ sung bảng chỉ
dẫn các khoa phòng, bảng hướng dẫn thủ tục KCB, cung cấp thông tin về KCB BHYT.
- Tăng cường nhân lực, trang thiết bị làm
việc tại các khâu tiếp đón, khám bệnh, lấy mẫu xét nghiệm, thực hiện kỹ thuật,
thu viện phí, thủ tục BHYT, cấp phát thuốc.
- Tăng cường công nghệ thông tin trong
quản lý KCB BHYT.
- Công khai bảng giá viện phí theo quy
định; thực hiện công khai, minh bạch các khoản chi phí mà người bệnh phải chi
trả hay được quỹ BHYT thanh toán.
- Tổ chức quán triệt, triển khai các văn
bản hướng dẫn về BHYT cho toàn thể cán bộ nhân viên của đơn vị.
Bộ Y tế cũng có văn bản yêu cầu Bảo hiểm
xã hội Việt Nam không ban hành thêm các quy định, thủ tục liên quan đến BHYT để
không làm tăng thủ tục hành chính cũng như khối lượng công việc của các bên.
Có khống chế mức
thanh toán chi phí KCB BHYT?
Với nguyên lý của BHYT xã hội là đóng
BHYT theo thu nhập và hưởng BHYT theo tình trạng bệnh tật, Điều 3 Luật BHYT đã
quy định: Mức hưởng BHYT được xác định theo mức độ bệnh tật, nhóm đối tượng
trong phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT.
Trên cơ sở đó, Điều 22 sửa đổi bổ
sung của Luật đã quy định rõ có 3 mức hưởng BHYT (100%, 95%, 80%
chi phí) khi đi KCB đúng quy định với các nhóm đối tượng khác nhau và 4 mức
hưởng BHYT (40%, 60%, 70%, 100% chi phí) khi người tham gia BHYT tự đi KCB
không đúng tuyến đối với các bệnh viện khác nhau.
Như vậy, về nguyên tắc Luật không quy định
khống chế mức thanh toán chi phí KCB BHYT, người tham gia BHYT khi đi KCB
được quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB theo thực tế điều trị bệnh trong
phạm vi quyền lợi và mức hưởng đã quy định tại Luật BHYT.
Vấn đề cử tri phản ánh có liên quan đến
việc tổ chức thực hiện chính sách BHYT trong điều kiện các cơ sở KCB được giao
quản lý quỹ và tổ chức KCB bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT. Để quản
lý, kiểm soát, duy trì hoạt động, đảm bảo cân đối quỹ, Luật quy định có các
phương thức thanh toán khác nhau, xác định tổng mức thanh toán khác nhau nhưng
về nguyên tắc vẫn phải đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.
|