DANH BẠ PHÁP LÝ
thu tuc TGPL
Cong bao chinh phu
Cong chung
mau van ban
Tra cuu van ban luat mien phi
Luat su Dong Nam A
Khách online: 51
Lượt khách: 1
Tìm kiếm tin tức

Báo cáo hoạt động của Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam năm 2013 và Kế hoạch công tác năm 2014

(Nội dung toàn văn)

       Hội Bảo trợ Tư pháp cho người nghèo Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 1012/QĐ-BNV ngày 06/5/2011 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ trên cơ sở Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Thông tư số 11/2010/TT-BNV ngày 26/ 11/2010 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết thi hành Nghị định. Sau Đại hội lần thứ I (ngày 30/7/2011), Hội đã tiến hành hoàn thiện Điều lệ và ngày 06/10/2011, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 1764/QĐ-BNV phê duyệt Điều lệ Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam. Theo Quyết định này, Hội là tổ chức xã hội- nghề nghiệp của Trợ giúp viên pháp lý, luật sư, cộng tác viên và những người ủng hộ TGPL; Hội có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng, tự chịu trách nhiệm về hoạt động bảo trợ tư pháp của Hội và các hoạt động khác có liên quan theo quy định tại Điều lệ Hội và của pháp luật.

I. BÁO CÁO HOẠT ĐỘNG HỘI NĂM 2013

1.   Về cơ cấu, tổ chức Hội và hội viên

Tổ chức hiện tại của Hội gồm: Đại hội đại biểu toàn quốc, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội, Ban Kiểm tra Hội, Hội đồng cố vấn, Hội đồng bảo trợ, Văn phòng và các Ban chuyên môn, các Chi hội và các đơn vị, tổ chức thuộc Hội có tư cách pháp nhân.

1.1. Trung ương Hội: Các lãnh đạo Hội gồm có: Chủ tịch Hội: TS. Tạ Thị Minh Lý

       -   4 Phó Chủ tịch Hội và 01 Tổng thư ký Hội

       -   01 Chánh văn phòng, 01 Phó Chánh Văn phòng, 03 cán bộ nghiệp vụ, 02 cán bộ đối ngoại, 02 nhân viên phụ trách hoạt động thông tin, trang Web, 01 kế toán, 01  văn thư, 01 thủ quỹ.

      -  Khoảng 300 Hội viên và 500 Cộng tác viên tại các Đoàn Luật sư và các Trung tâm TGPL nhà nước tại các tỉnh: Hòa Bình, Gia Lai, Phú Yên, TP. HCM, Sơn La, Lào Cai…

1.2.   Cấp địa phương:

-    01 Hội và 10 Trung tâm là đơn vị thuộc Trung ương Hội được thành lập tại các địa phương Hà Nội, Hòa Bình, Lào Cai, Sơn La, Gia Lai, Phú Yên, TP.HCM… và đã đi vào hoạt động nhằm trợ giúp pháp lý cho các nhóm đối tượng: người nghèo, người dân tộc thiểu số, người có công, gia đình liệt sỹ, phụ nữ và trẻ em… 

-    Ngoài ra, tại một số tỉnh đã có các Ban vận động thành lập Hội và Trung tâm thuộc Hội để tiến tới chính thức thành lập các trung tâm thuộc hội ở địa phương.

1.3.   Các đơn vị, Trung tâm nghiệp vụ thuộc Hội

Hiện tại, 11 đơn vị thuộc Hội đã được thành lập và đi vào hoạt động: (Danh sách Trung tâm thuộc Hội trong Phụ lục I đính kèm)

2. Kết quả hoạt động của Hội trong năm 2013

2.1. Hoạt động kiện toàn tổ chức bộ máy Hội, các Trung tâm trực thuộc và hướng dẫn thành lập các đơn vị thuộc Hội ở địa phương:

Hội đã xây dựng Kế hoạch hoạt động chi tiết năm 2013 và Kế hoạch hoạt động đến năm 2016. Trên cơ sở đó, Hội đã hoàn thành được một số nhiệm vụ ban đầu như sau:

Thứ nhất, xác định khâu tổ chức có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng Hội nên Hội đã tập trung kiện toàn công tác tổ chức Hội: Hội đã xây dựng và đang hoàn thiện các quy chế tổ chức Hội, bao gồm: Quy chế Ban Chấp hành Hội; quy chế hoạt động nội bộ của Hội (Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban kiểm tra, Văn phòng Hội) phù hợp với Điều lệ và pháp luật về Hội; ban hành các quy định về lệ phí và biểu phí và một số quy định nội bộ, Quy chế hoạt động của các Trung tâm;

Hội đã xây dựng xong các văn bản hướng dẫn để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Hội cũng như Quy chế hoạt động của các Trung tâm; Hướng dẫn việc phối hợp giữa các Văn phòng Trung ương Hội với các Trung tâm và tổ chức thuộc Hội  địa phương, Quy chế sử dụng Tài chính tạm thời để qua đó rút kinh nghiệm ban hành chính thức.

Xây dựng phần mềm kế toán để quản lý và báo cáo hoạt động tài chính kế toán của dự án nhằm tìm kiếm một phần mềm phù hợp, kết quả hiện tại phần mềm kế toán của MISA đang được chính thức sử dụng.

-  Các Trung tâm đã thành lập và ổn định tổ chức đều thực hiện việc báo cáo Văn phòng TƯ Hội kết quả hoạt động theo các mốc 6 tháng và 1 năm.

Thứ hai, về công tác Đảng đoàn, Hội đã được quận ủy Ba Đình cho phép thành lập Chi bộ Hội, tổ chức ra mắt và sinh hoạt theo Điều lệ Đảng; gửi đơn tới Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xin gia nhập thành viên Mặt trận;

Thứ ba, về việc kiện toàn tổ chức, đã thành lập được các đơn vị trực thuộc Hội:

- Ban chuyên môn trực thuộc Trung ương Hội (Nghiệp vụ, Tài chính, Đối ngoại, Bồi dưỡng nghiệp vụ, Truyền thông, Kiểm tra…) được thành lập và đi vào hoạt động;

- Hội đã thành lập được một Hội cấp tỉnh tại Hà Nội và 10 Trung tâm Tư vấn pháp luật và Trợ giúp pháp lý trực thuộc được thành lập nằm rải rác tại các địa phương ba miền Bắc Trung Nam trong đó chú trọng về các nhóm đối tượng đặc thù để có chuyên sâu và trọng tâm, đồng thời, công khai về nhóm đối tượng để các đơn vị hỗ trợ nhau trong nghiệp vụ.

- Tổ chức xây dựng và hoàn thiện các quy định và khung mẫu văn bản hướng dẫn các hoạt động hành chính của Hội (mẫu văn bản, tài liệu và sách,…), hướng dẫn về quy trình thực hiện nghiệp vụ; quy định chuẩn về đại diện bào chữa và bảo vệ quyền lợi, về tham gia hoà giải tại các Trung tâm và đơn vị thuộc Hội, hội viên của Hội theo quy định của Điều lệ;

- Hướng dẫn các đơn vị đã lập Ban vận động tiếp tục xây dựng Điều lệ và làm thủ tục thành lập Hội theo quy định của pháp luật;

 - Hướng dẫn việc phối hợp giữa các Văn phòng Trung ương Hội với các Trung tâm và tổ chức thuộc Hội của địa phương.

2.2. Về hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của Hội:

Xác định mục tiêu chính của Hội là thực hiện Bảo trợ tư pháp miễn phí cho người nghèo, nhóm yếu thế tại Tòa án và các cơ quan tiến hành tố tụng và đại diện ngoài Tòa án góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh, công bằng và bình đẳng của pháp luật, tính khách quan và độc lập của Tòa án và các cơ quan tiến hành tố tụng; trợ giúp pháp lý cộng đồng các hoạt động tại cơ sở, địa bàn dân cư và khu lao động,…; Tăng cường nhận thức về bảo trợ tư pháp, công lý và bình đẳng trước pháp luật của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và người dân,…góp phần xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh theo đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các tiêu chuẩn quốc tế trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Vì vậy, năm 2013  Hội đã triển khai các hoạt động nghiệp vụ cụ thể như sau:

Thứ nhất, thực hiện bảo trợ tư pháp thông qua việc tham gia đại diện, bào chữatư vấn pháp luật tiền tố tụng và tư vấn pháp luật phổ thông; tham gia truyền thông, hỗ trợ pháp luật cộng đồng theo quy định của pháp luật;

Hoạt động tư vấn và trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và các nhóm đối tượng: gia đình chính sách, gia đình liệt sỹ, phụ nữ và trẻ em, người nông dân… đã được triển khai thực hiện tại các Trung tâm Tư vấn pháp luật và TGPL cho người nghèo thuộc Hội. Tính tới hết tháng 8/2013, trong vòng chưa đầy 10 tháng (trừ Trung tâm TVPL và TGPL cho gia đình liệt sĩ MARIN), các Trung tâm đã thực hiện tư vấn tại chỗ được 1430 vụ việc (riêng trung tâm MARIN - tư vấn được 1242 vụ có hồ sơ riêng), 12 vụ đại diện tại Tòa, 30 vụ đại diện ngoài tố tụng. Con số này so với dự kiến đạt được khoảng 3000 vụ tư vấn tại chỗ và 100 vụ đại diện tại Tòa.

Thứ hai, hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật thông qua các buổi nói chuyệnsinh hoạt pháp luật vào các ngày nghỉ, buổi tối, lồng ghép với phiên tòa lưu động và các sinh hoạt tập thể tại cộng đồng:

Các Trung tâm thuộc Hội đã tổ chức TGPL lưu động, các buổi nói chuyện, sinh hoạt pháp luật cộng đồng, sinh hoạt câu lạc bộ TGPL và trao đổi về quyền cơ bản, cung cấp thông tin và tư vấn pháp lý cho các đối tượng đặc thù (nhóm người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiếu số và cho nhóm yếu thế khác). Các hoạt động này đặc biệt hữu ích vì nhờ có chúng những kiến thức pháp luật, những hỗ trợ kịp thời cho người dân đang cần đều được đưa tới tận nơi, giúp người dân chưa biết dễ dàng tiếp cận dịch vụ mà không tổn thất chi phí đi lại.

Trong năm 2013, các Trung tâm thuộc Hội đã tổ chức tư vấn pháp luật và lồng ghép hoạt động sinh hoạt cộng đồng tổng cộng là 17 đợt tại các huyện ngoại thành Hà Nội, Hòa Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, tư vấn tại chỗ được cho 1338 người (lượt người tham dự các buổi lưu động đông hơn con số này, ví dụ trong các đợt lưu động của Trung tâm MARIN khoảng 5000 người có nhu cầu đã được tư vấn vụ việc thông qua trả lời chung về chế độ chính sách gia đình liệt sỹ, thủ tục xin cấp sổ đỏ đất đai, thủ tục xin chế độ cấp dưỡng,....). Tại các đợt lưu động này, Sở Tư pháp và Trung tâm TGPL nhà nước, Đoàn thanh niên các địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ cùng với Hội trong giải quyết vụ việc trong và sau lưu động.

Thứ ba, tham gia ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật:

Hội đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi và tổng hợp ý kiến góp ý gửi tới Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam; Tham gia góp ý vào dự thảo Nghị định xử phạt Vi phạm hành chính liên quan đến tệ nạn xã hội (khảo sát thực địa và tổ chức hội thảo); ngoài ra, Chủ tịch Hội và các Trung tâm thuộc Hội đã tham gia và góp ý xây dựng Dự thảo Luật đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình và một số văn bản hướng dẫn thực hiện Luật, đánh giá tác động luật. đối với dự thảo Luật đất đai sửa đổi, thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình Hội đã xây dựng và nộp đề xuất góp ý sửa đổi bổ sung. Tham gia góp ý các chính sách liên quan đến giúp việc gia đình, vấn đề mũ bảo hiểm cho trẻ em, mua bán người, lao động di cư

Thứ tư, nghiên cứu khoa học về các vấn đề về bảo trợ tư pháp, tư vấn pháp luật cho người nghèo và các đối tượng gặp nhiều khó khăn: phụ nữ và trẻ em gái bị buôn bán ra nước ngoài, người lao động di cư, nạn nhân của bạo lực gia đình, người sống chung với HIV, vấn đề môi trường, vấn đề quyền tiếp cận tư pháp…

Các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ khác: tham gia góp ý và hỗ trợ kỹ thuật, tham gia giảng dạy, tập huấn cùng các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế trong các hoạt động bình đẳng giới, lao động di cư, HIV,… cho Thẩm phán hai khu vực Bắc Nam, Cộng tác viên và Hội viên nhằm bảo vệ quyền lợi của người nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng phát triển và ổn định.

Thứ năm, hoạt động tham vấn tại địa phương

VIJUSAP đã phối hợp với các cơ quan hữu quan địa phương tổ chức 05 đợt khảo sát về nhu cầu và điều kiện thành lập các Trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý trực thuộc Hội cũng như khảo sát mức độ vướng mắc pháp luật và thực trạng sử dụng các dịch vụ tư vấn pháp lý của người dân địa phương tại 08 tỉnh (Hòa Bình, TP HCM, Hà Nội, Ninh Bình, Bắc Giang, Hải Phòng, Cần Thơ và Vũng Tàu).

Phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước (Công an, Tư pháp, …) thực hiện khảo sát tại 05 tỉnh về tình hình hoạt động mại dâm nhằm góp ý vào dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến mại dâm (tại Hải Phòng, Nam Định, TP.HCM, An Giang, Cần Thơ);

Hội đã tiến hành các hoạt động vận động nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện đội mũ bảo hiểm xe máy cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên tại các tỉnh phía Bắc bao gồm: Nam Định, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thái Bình, Ninh Bình và Hà Nam. Tại các tỉnh dự án tác động, vận động, các lãnh đạo và cơ quan chuyên môn đều có chuyển biến tích cực, nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa tốt đẹp, nhân văn, cùng với tính cấp thiết của hoạt động đảm bảo đội mũ bảo hiểm cho trẻ em. Cùng sự phối hợp tích cực và sự ủng hộ nhiệt tình của Ban ATGT các tỉnh, lãnh đạocác cơ quan chuyên môn tại địa phương, Hội đã tổ chức các cuộc họp tham vấn trực tiếp tại các tỉnh: Nam Định, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thái Bình, Ninh Bình và Hà Nam nhằm đánh giá tình hình triển khai thực hiện quy định của Chính phủ về việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm xe máy cho trẻ em từ 6 tuổi đến 14 tuổi trên địa bàn các tỉnh và vận động, thúc đẩy các tỉnh triển khai chương trình truyền thông nâng cao ý thức và hoạt động cưỡng chế của lực lượng CSGT các tỉnh, tạo thói quen và duy trì việc đội mũ bảo hiểm bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông tại các tỉnh.

2.3. Hoạt động tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ:

 Nhằm tăng cường năng lực hội viên và năng lực cung cấp dịch vụ chuyên môn cho các đối tượng được bảo trợ xã hội, năng lực của các tổ chức trực thuộc, Hội đã tổ chức Tập huấn về quản lý tổ chức, xây dựng các mẫu biểu hoạt động, mở một số lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng bảo trợ tư pháp cho thành viên, hội viên; xuống địa bàn hỗ trợ một số địa phương trong các hoạt động tập huấn nâng cao trình độ, phát triển kỹ năng của hội viên trong hoạt động nghề nghiệp; động viên tinh thần hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giải quyết những vấn đề còn vướng mắc trong hoạt động bảo trợ tư pháp. Kết quả tới hết tháng 8/2013, dựa vào kinh phí Dự án cũng như nguồn tài chính hiện có, Hội đã tổ chức 03 lớp tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng bảo trợ tư pháp; tổ chức 02 hội nghị chuyên đề về bảo vệ quyền và lợi ích lao động di cư và về bảo vệ nạn nhân bị bạo lực gia đình;

Tổ chức lớp tập huấn về kỹ năng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho phụ nữ và trẻ em tại Hà Nội với sự tham gia của 95 đại biểu vào ngày 13-14/5/2013. Tại buổi tập huấn, các giảng viên đã thuyết trình và thảo luận với học viên về kỹ năng tư vấn pháp luật nói chung, kỹ năng đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong các vụ việc về quyền lao động, quyền tài sản và nuôi con của phụ nữ khi li hôn, quyền về đất đai, bồi thường và hỗ trợ việc làm cho phụ nữ và trẻ em tại vùng tái định cư… và kỹ năng bào chữa cho bị can là nữ giới/trẻ em trong các vụ án hình sự. Phiếu khảo sát đã được phát trước và sau khi buổi tập huấn diễn ra nhằm tìm hiểu nhận thức của học viên trước tập huấn và những gì họ tiếp thu được sau tập huấn.[1]

Hội đã phối hợp với Ban ATGT tỉnh Quảng Ninh tổ chức cuộc hội thảo cấp tỉnh tại Quảng Ninh từ ngày 24/11/2013 đến ngày 26/11/2013. Hội thảo đã tập trung trao đổi với 6 nội dung tham luận của các chuyên gia và đại diện các bộ, cơ quan chuyên môn: Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, WHO, Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á, Bộ Công an và Ban ATGT TP. Hà Nội

2.4. Hoạt động thông tin, truyền thông về bảo trợ tư pháp:

 Với mục tiêu tăng cường nhận thức cho các đối tượng là người nghèo, nhóm yếu thế, cũng như những cán bộ của các cơ quan tiến hành tố tụng và nhân dân biết về bảo trợ tư pháp, về vai trò của Hội, về quyền và nghĩa vụ hội viên để người dân có thể yêu cầu giúp đỡ khi cần thiết. Trên cơ sở Kế hoạch, Hội đã thực hiện một số hoạt động và đạt được kết quả như sau:

Thứ nhấtvề giới thiệu hoạt động Hội:

Thông tin về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ cũng như các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của Hội được cập nhật và đăng tải thường xuyên trên website của Hội

Thứ hai, tài liệu thông tin, truyền thông:

Hội đã xây dựng và ấn hành 03 tờ gấp (1000 x3) bản tờ gấp giới thiệu về Hội, các hoạt động bảo trợ tư pháp, về các quyền và nghĩa vụ của các đối tượng được bảo trợ tư pháp cũng như nội dung và những loại vụ việc được hỗ trợ và bảo vệ; (ii) người thuộc diện được hưởng TGPL và những thủ tục để yêu cầu TGPL và (iii) pháp luật về lao động nữ. Các tờ gấp đều đính kèm thông tin về Hội để người dân có thể chủ động liên hệ khi cần. Các tờ gấp này cung cấp những thông tin, kiến thức pháp luật thiết thực, bổ ích giúp những người đang có nhu cầu được hỗ trợ pháp lý có nhiều cơ hội tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ pháp lý do Nhà nước và xã hội (VIJUSAP) cung cấp, đồng thời nâng cao hiểu biết cho người dân là lao động nữ - vốn là những người thuộc nhóm đặc biệt dễ tổn thương - về quyền và lợi ích hợp pháp, các chính sách của Nhà nước dành cho họ.

- Xây dựng chuyên trang, chuyên mục về tổ chức và hoạt động của Hội trên một số báo, truyền hình. Hội đã phối hợp với đài truyền hình VTC14 để triển khai hoạt động truyền thông của dự án “Tăng cường cưỡng chế thực hiện quy định về đội mũ bảo hiểm xe máy cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên tại Việt Nam, xây dựng và phát sóng các chương trình phóng sự và tọa đàm trên truyền hình trung ương theo yêu cầu dự án.

- Duy trì, kiện toàn và điều hành Website http://www.hoibaotrotuphap.com của Hội:

2.5. Về công tác phối hợp và hợp tác quốc tế:

Mục tiêu :

Tăng cường các hoạt động phối hợp, cộng tác, chia sẻ kinh nghiệm với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước để hỗ trợ cho các hoạt động chuyên môn của Hội; vận động, thu hút sự đóng góp và tài trợ cho Hội và các chi hội ở địa phương, tăng cường các nguồn lực cho Hội để đáp ứng đủ và có chất lượng nhu cầu của đối tượng và tiếp cận các kinh nghiệm tiến bộ của các nước theo chuẩn quốc tế; mở rộng quan hệ hợp tác với các hội và tổ chức khoa học công nghệ, tổ chức đào tạo trong nước và ngoài nước theo quy định pháp luật để học hỏi kinh nghiệm và nâng cao trình độ chuyên môn của Hội.

Kết quả đạt được:

 Đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân trong nước:

Hội đã đặt mối quan hệ phối hợp công tác với các cơ quan của Quốc hội (như Ủy ban các vấn đề xã hội và Ủy ban các vấn đề thanh thiếu niên, Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia), các cơ quan của Chính phủ (như Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Lao động- thương binh-xã hội, Bộ Văn hóa, Bộ Y tế...), các cơ quan Tư pháp (Tòa án tối cao, Viện Kiểm sát,...), các đoàn thể, tổ chức xã hội (Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Tổng liên đoàn lao động, Hội Nông dân,...), các Hội nghề nghiêp- xã hội (Đoàn Luật sư, Hội luật gia, Hội bảo vệ trẻ em khuyết tật, Hội người khuyết tật, ...) và các NGOs khác.

Hội đã hợp tác với các hội chuyên ngành, các đoàn luật sư tại các tỉnh/ thành phố trong toàn quốc và các cơ quan, tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến bảo trợ tư pháp cho người nghèo, các cơ quan nghiên cứu khoa học, các tổ chức đào tạo về trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật có liên quan;

Đối với hoạt động phối hợp và hợp tác quốc tế:

Hội đã có mối quan hệ hợp tác với một số tổ chức quốc tế qua các hoạt động Dự án, nghiên cứu, Hội thảo, tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm, hoàn thiện pháp luật về lao động, hành chính, phụ nữ, về mại dâm, an toàn giao thông, lao động di cư như UNAids, UNWomen, UNODC, ILO, JPP, JIFF, GFCD, UPF... 

Tổ chức thực hiện các hoạt động của Dự án: “Nâng cao nhận thức pháp luật và mở rộng cơ hội được giúp đỡ pháp lý miễn phí cho người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiếu số và nhóm yếu thế khác” (từ tháng 08/2012 đến tháng 08/2013 năm thứ nhất và tù tháng 08/2013-08/2014 năm thứ 2) với sự hỗ trợ của tổ chức Oxfam Novib.

- Dự án “Tham gia góp ý xây dựng dự thảo Nghị định xử phạt Vi phạm hành chính liên quan đến mại dâm” (từ tháng 03- tháng 06/2013) do UNAIDS tài trợ.

- D án “Tăng cường cưỡng chế thực hiện quy định về đội mũ bảo hiểm xe máy cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên tại Việt Nam” (từ tháng 8/2013- tháng 8/2014) do Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tài trợ.

2.6. Hoạt động xây dựng cơ sở vật chất và tài chính:

2.6.1. Về trụ sở làm việc:

Văn phòng Trung ương Hội đặt trụ sở làm việc tại số 97, phố Trúc Bạch, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, TP. Hà Nội.

2.6.2. Trang thiết bị và các cơ sở vật chất khác:

Hiện nay Văn phòng TƯ Hội có 04 máy vi tính cố định, đã nối mạng internet; 01 máy photo copy; đã thực hiện việc lắp điện thoại cố định. Các nhân viên văn phòng và thành viên Hội sử dụng máy tính xách tay cá nhân và nỗ lực hỗ trợ cơ sở vật chất để Hội hoạt động. Ngoài ra, Hội còn xây dựng được tủ sách pháp luật với số lượng đầu sách phong phú, đa dạng trên các lĩnh vực pháp luật: dân sự, hình sự, hôn nhân gia đình, lao động, hành chính…và các loại sách khác phục vụ cho hoạt động của Hội.

II.   Kế hoạch hoạt động của Hội trong năm 2014

1.   Về kiện toàn tổ chức và tăng cường năng lực Hội

Nhận định rõ công tác xây dựng phát triển Hội cần tập trung kiện toàn tổ chức và năng lực làm việc của nhân viên và hội viên của Hội nên hoạt động tăng cường năng lực của Hội vẫn luôn đề cao trong kế hoạch. Cụ thể:

-  Nâng cao năng lực bộ máy tổ chức Hội và các Trung tâm trực thuộc Hội; quảng bá và truyền thông về Hội; tăng cường mạng lưới của Hội và các đơn vị phối hợp, thu hút hội viên và phát triển mạng lưới bảo trợ tư pháp nhằm đáp ứng các nhu cầu khác nhau của các nhóm yếu thế như người nghèo, người dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em…

-  Nâng cao năng lực cho hội viên, cộng tác viên trợ giúp pháp lý để họ thực hiện bảo trợ tư pháp miễn phí cho các nhóm yếu thế thông qua các đợt tập huấn để họ có thể tiếp cận pháp luật mới. Đồng thời, trang bị kỹ năng cần thiết để hội viên ứng dụng khi giải quyết vụ việc cụ thể; tăng cường năng lực phối hợp trong bảo trợ tư pháp của các trung tâm thuộc Hội với các cơ quan của nhà nước, các tổ chức phi chính phủ khác và các cá nhân.

-  Tăng cường nhận thức pháp luật và quảng bá các hoạt động  của Hội, quyền được tiếp cận dịch vụ bảo trợ tư pháp miễn phí của các nhóm đối tượng khó khăn:  người nghèo, đối tượng chính sách, phụ nữ, trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số và nhóm yếu thế khác; mở rộng cơ hội tiếp cận, xây dựng cơ chế thu hút sự chủ động tham gia của họ để họ được tiếp cận với dịch vụ bảo trợ tư pháp miễn phí có chất lượng của Hội

- Tăng cường hoạt động vận động chính sách, tham gia hoàn thiện khung pháp luật và chính sách hỗ trợ triển khai hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý nhằm đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp cho các nhóm đối tượng: người nghèo, đối tượng chính sách, phụ nữ và trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số và các nhóm yếu thế khác

Tăng cường mối quan hệ của Hội với các tổ chức quốc tế, tổ chức nghề nghiệp pháp luật trong khu vực và thế giới trong nghiên cứu, khảo sát, hội thảo, tọa đàm để các đối tác và nhà tài trợ hiểu rõ về bảo trợ tư pháp ở Việt Nam, vai trò của Hội trong bảo vệ quyền công dân và quyền con người, thu hút sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính, chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp giải quyết vụ việc pháp lý cho các đối tượng yếu thế có yếu tố nước ngoài

-  Xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển của Hội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025. Tiếp tục triển khai và hoàn thiện quy trình giám sát, báo cáo và đánh giá triển khai hoạt động dự án theo các kỳ 3 tháng, 6 tháng và kết thúc năm tài chính.

2. Về hoạt động nghiệp vụ chuyên môn

2.1.   Hoạt động nghiệp vụ của Hội trên toàn quốc

Tổ chức các lớp tập huấn cho hội viên và các thành viên của trung tâm thuộc Hội; Tổ chức biên tập và phát hành cẩm nang thực hiện vụ việc cho Hội viên và người cung cấp dịch vụ ;

Tổ chức khảo sát nghiệp vụ Bảo trợ tư pháp và tọa đàm về kết quả khảo sát nghiệp vụ BTTP; Khảo sát về các hình thức truyền thông, tiếp cận thông tin và phản hồi thông tin của người dân về BTTP để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp;

 Gặp gỡ các thành viên địa phương, thảo luận khả năng và thủ tục thành lập các trung tâm trực thuộc Hội tại các địa phương (Vũng Tàu, Quãng Nam, Hậu Giang, Cần Thơ…);

  Tổ chức các cuộc họp tham vấn trực tiếp với các cơ quan trung ương: Vụ Pháp luật Hình sự- Hành chính, Bộ Tư pháp và Vụ Pháp chế- Bộ Y tế, Vụ Công tác Học sinh- Sinh viên- Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tăng cường phối hợp, thực hiện hiệu quả quy định về đội mũ bảo hiểm cho trẻ em tại Việt Nam.

   Tổ chức các cuộc họp tham vấn trực tiếp với lãnh đạo Ban ATGT các tỉnh: Hòa Bình (tháng 4/2014), Thanh Hóa và Phú Thọ (tháng 4-5/2014);

   Tổ chức hội nghị cấp tỉnh (dự kiến tổ chức tại tỉnh Thái Bình) trong tháng 4/2014 với sự tham gia của 10 tỉnh: Bắc Ninh, Nam Định, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thái Bình, Hòa Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Phú Thọ và Thanh Hóa;

   Tổ chức các tọa đàm về các vấn đề pháp luật và kiến nghị sửa đổi, bổ sung pháp luật với các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản, đơn vị và tổ chức, cá nhân có liên quan.

2.2.   Hoạt động nghiệp vụ, cung cấp dịch vụ tư vấn, trợ giúp pháp lý cho các nhóm đối tượng tại các Trung tâm thuộc Hội:

-   Xác định danh sách những người thực hiện bảo trợ tư pháp trong mạng lưới cung cấp dịch vụ Bảo trợ tư pháp;

-  Soạn thảo, phát hành tờ gấp về các lĩnh vực pháp luật cụ thể, soạn thảo và phát hành tờ gấp giới thiệu về Hội và các Trung tâm thuộc Hội để thông tin cho các nhóm đối tượng yếu thế biết được địa chỉ tìm đến khi có nhu cầu;

-   Thực hiện TVPL, đại diện pháp lý, bào chữa, kiến nghị, hòa giải tại trụ sở của các trung tâm thuộc Hội;

-   Tổ chức TGPL lưu động, các buổi nói chuyện, sinh hoạt pháp luật cộng đồng, sinh hoạt CLB TGPL cho đối tượng đặc thù; nghiên cứu các văn bản pháp luật liên quan đến dịch vụ pháp luật miễn phí; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

3.   Về truyền thông

-     Tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng đề phổ biến kiến thức, tuyên truyền pháp luật, đường lối chính sách của nhà nước, trợ giúp pháp lý cho người nghèo và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật.

-  Hội sẽ tiếp tục xây dựng và duy trì trang thông tin điện tử, cập nhật văn bản quy phạm pháp luật mới, các quy định hiện hành, các thông tin về chính sách, chiến lược cải cách tư pháp, các vụ việc cụ thể cần trao đổi thảo luận.

- Tiếp tục phối hợp với các đài truyền hình địa phương, các báo in và báo điện tử địa phương, của Hội BTTP cho người nghèo Việt Nam để đưa tin, viết bài và chia sẻ câu chuyện, mô hình thành công, vận động chương trình đội mũ bảo hiểm cho trẻ em tại các địa phương và trên toàn quốc

-  Tổ chức một chương trình tọa đàm truyền hình nhằm tăng cường thực hiện quy định về đội mũ bảo hiểm cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên tại Việt Nam (tháng 5/2014);

- Tiếp tục phối hợp với các đài truyền hình địa phương, các báo in và báo điện tử địa phương, của Hội BTTP cho người nghèo Việt Nam để đưa tin, viết bài và chia sẻ câu chuyện, mô hình thành công, vận động chương trình đội mũ bảo hiểm cho trẻ em tại các địa phương và trên toàn quốc;

-  Tổ chức hội thảo kết thúc dự án nhằm đánh giá hoạt động dự án và chia sẻ mô hình hiệu quả thực hiện cưỡng chế đội mũ bảo hiểm cho trẻ em tại các tỉnh dự án;

-  Soạn thảo, phát hành tờ gấp pháp luật (các quy định của pháp luật liên quan đến các quyền, các chính sách ưu đãi cho phụ nữ, người dân tộc thiểu số, người lao động, các đối tượng yếu thế khác và các hình thức trợ giúp pháp lý cho họ)

4.   Tài chính cho các hoạt động của Hội

-  Tiếp tục tăng cường hợp tác và tìm kiếm đối tác, nhà tài trợ, các doanh nghiệp hỗ trợ hoạt động tư vấn và trợ giúp pháp lý miễn phí tại các Trung tâm TVPL và TGPL  cho người nghèo thuộc Hội và các hoạt động của Hội nói chung.

Xây dựng mạng lưới cộng tác và hợp tác với các Trung tâm TGPL nhà nước tại các tỉnh.

Nâng cao năng lực cho các thành viên Hội trong các hoạt động huy động tài trợ và tham gia của các tổ chức, đối tác trong nước và nước ngoài cho Hội về hỗ trợ tư pháp cho người nghèo ở Việt Nam

5.  Tham gia hoạt động đoàn thể

-  Tăng cường hoạt động của Chi bộ Đảng tại Trung ương Hội; kết nạp thêm Đảng viên mới.

-  Tiếp tục hoàn thiện hồ sơ xin gia nhập làm thành viên MTTQVN

-  Thành lập tổ công đoàn, Đoàn thanh niên và các sinh hoạt văn hóa, thể thao thường xuyên cho nhân viên, hội viên và cộng tác viên tại Hội

III.  Đánh giá các kết quả hoạt động và Kiến nghị, đề xuất của Hội

1.   Đánh giá các kết quả đạt được trong năm 2013

Hơn hai năm đi vào hoạt động, mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng Hội đã có những nỗ lực và đã đạt được những kết quả tốt đẹp trong công tác bảo trợ tư pháp miễn phí cho người nghèo.

Bên cạnh hoạt động tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý, Hội cũng tổ chức các đợt khảo sát nhằm nắm bắt nhu cầu tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý đối với từng địa bàn cụ thể. Hội đã tổ chức khảo sát tại Hòa Bình, TPHCM, Vũng Tàu, Nam Định, Cần Thơ. Những buổi khảo sát thực tế đã mang lại cho Hội cái nhìn toàn diện hơn về những khó khăn, vướng mắc của người dân khi tiếp cận các dịch vụ tư vấn và TGPl tại địa phương, qua đó xây dựng kế hoạch hành động và áp dụng các giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc đó hiệu quả hơn.

Mạng lưới trợ giúp pháp lý của Hội ngày càng được tăng cường và mở rộng ra các tỉnh/thành nhằm đáp ứng nhu cầu Tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý ngày càng lớn của người dân đặc biệt là nhóm đối tượng yếu thế.

Tham gia góp ý xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật (góp ý kiến cho dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi; Nghị định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến tệ nạn xã hội, Luật đất đai, Hôn nhân gia đình…).

2.    Kiến nghị, đề xuất của Hội

Hội là đơn vị mới thành lập nhưng các hoạt động của Hội có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tác động tích cực của Hội trong việc bảo đảm các quyền và lợi ích cho người nghèo, các nhóm đối tượng dễ tổn thương trong xã hội, góp phần ổn định trật tự, an toàn xã hội. Trong thời gian tới, rất mong lãnh đạo Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp tiếp tục ủng hộ và chỉ đạo các Sở Nội vụ, Sở Tư pháp tại các tỉnh/thành phố trong cả nước (i) hỗ trợ, tạo điều kiện và hợp tác với Hội trong việc tổ chức thành lập các Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo tại tỉnh và trung tâm TVPL và TGPL cho người nghèo thuộc Hội; (ii) phối hợp và hỗ trợ các hoạt động truyền thông và bảo vệ quyền lợi cho người nghèo và các đối tượng được bảo trợ tư pháp tại 63 tỉnh/ thành phố trên cả nước; (iii) ủng hộ hoạt động hợp tác và các dự án được triển khai tại địa bản.

Trên đây là báo cáo hoạt động năm 2013 và kế hoạch hoạt động năm 2014, định hướng hoạt động đến năm 2016 của Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam. Trân trọng đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét và cho ý kiến chỉ đạo

 Nơi nhận:

- Bộ Tư pháp (để b/c);

- Bộ Nội vụ (để b/c);

- Chủ tịch (để lưu);

- Các Phó Chủ tịch  (để theo dõi);

- Tổng Thư ký (để theo dõi);

- Website Hội BTTP (để đăng tin);

Lưu VP.

                          

             TM. BAN THƯỜNG VỤ

                        CHỦ TỊCH

                   (Đã ký)

 

       TS. Tạ Thị Minh Lý

 

(Nguồn: )
Hỗ trợ Hỗ trợ
Hỗ trợ Hỗ trợ
Hỗ trợ Hỗ trợ
Hỗ trợ Hỗ trợ
Hỗ trợ quản trị website Hỗ trợ quản trị website
Văn phòng TƯ Hội Văn phòng TƯ Hội
Tuyển chọn tư vấn cho hoạt động 6.3.1.2
Hòa giải ở cơ sở: Cần sửa đổi để tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội
Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam tổ chức Đại hội lần 2 - Nhiệm kỳ 2017 - 2022
Thủ tục hưởng di sản thừa kế
Thủ tục xóa án tích sẽ bớt gian nan, phức tạp?
Danh bạ các trung tâm Trợ giúp pháp lý
danh ba luat su
Trong tai thuong mai viet nam
Hệ thống văn bản QPPL
mau van ban
sealaw
điểm tin
 
© 2010 - 2011 HỘI BẢO TRỢ TƯ PHÁP CHO NGƯỜI NGHÈO VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 20, Ngõ 80, Lê Trọng Tấn, Phường Khương Mai, Thanh Xuân, Hà Nội - Hotline: 04.37154286
Điện thoại: 04.37154286 - Fax: 04.37154286 - Email: baotrotuphapvn@gmail.com
Thiết kế và lưu trữ bởi TTC Design